Vài nét đặc trưng của văn hóa Hàn Quốc dành cho du học sinh

Đặt chân đến một đất nước hoàn toàn xa lạ, bên cạnh khác biệt về ngôn ngữ, khí hậu, một trong những điều thường khiến du học sinh lúng túng chính là “sốc văn hóa”. Rất khó để có thể nói hết những điểm đặc biệt về văn hóa của một quốc gia trong một bài đăng, cho nên chúng mình sẽ tập trung vào một số điểm lưu ý về văn hóa mà các bạn du học sinh sẽ thường gặp nhất khi đến Hàn Quốc trong bài đầu tiên này nhé. 

  1. Các văn hóa ở trường học và trong các môi trường làm việc
    1. Quan hệ Tiền bối – Hậu bối: 

Quan niệm Tiền bối (선배) và Hậu bối (후배), chỉ người có vị trí cao hơn hay là đến trước và sau tại một trường học, cơ quan, doanh nghiệp, … Nét văn hóa coi trọng thứ bậc, trật tự này là một trong những điểm rất đặc trưng trong các môi trường học tập và làm việc tại Hàn Quốc. Việc đánh giá thứ bậc này không phụ thuộc vào tuổi tác, người đến trước mà trẻ tuổi hơn vẫn được coi là Tiền bối của những người tới sau. Đâu đó ngay trong cuộc sống thường ngày, bạn cũng có thể cảm nhận được việc coi trọng thứ bậc trước-sau của người Hàn, như là văn hóa xếp hàng, “first come/first serve” tại bất cứ cửa hàng/dịch vụ/nơi công cộng nào.

Ngoài một số trường hợp các Tiền bối dễ tính hoặc thông cảm cho người nước ngoài không biết, khá nhiều người sẽ chú ý vấn đề này và đôi khi các bạn sinh viên không để ý là có thể trở thành “vô lễ” hay “có thái độ xấu với tiền bối” trong mắt người Hàn. 

Một số điểm dưới đây các bạn nên để ý để có cách ứng xử phù hợp và cũng tránh cho bản thân rơi vào những tình huống không đáng có nhé:

  • Khi gặp Tiền bối, Hậu bối luôn cúi đầu chào. Các bạn sinh viên vào lab sau mình mỗi lần lên vào buổi sáng đều đứng thẳng và cúi chào mình rất lễ phép. Trước đây từng được sinh viên chào như vậy ở Việt Nam mình thấy hơi bất ngờ, nhưng sang đây thì quen hơn và thấy cũng là một điểm hay đáng học hỏi, chứ hoàn toàn không phải kiểu ma cũ bắt nạt ma mới hay là kỳ thị ngoại quốc gì đâu nhé!
  • Khi nói chuyện, luôn thể hiện thái độ kính trọng với Tiền bối – đây là điều hiển nhiên. Nhưng cần chú ý đặc biệt khi giao tiếp bằng tiếng Hàn, cần dùng đầy đủ kính ngữ (bạn mình sang học bằng tiếng Anh và có biết tiếng Hàn nhưng vì sợ hay quên kính ngữ nên đã chủ yếu chỉ giao tiếp với giáo bằng tiếng Anh để tránh “lỡ lời”).
  • Thông thường Tiền bối giao việc hoặc nhờ vả các việc nhỏ thì Hậu bối đều phải nghe theo, vì Tiền bối là người có trách nhiệm giúp đỡ, bảo ban, chỉ dẫn, mua cơm (^-^), kể cả bảo vệ và giúp tạo các mối quan hệ cho các hậu bối. Khi làm việc đặc biệt với những máy móc, hóa chất, thí nghiệm… lần đầu tiên ở trong lab, chúng mình cũng thường lắng nghe và thậm chí ghi lại kỹ lưỡng các hướng dẫn của Tiền bối cũng như hỏi ý kiến trước khi làm để hạn chế tối đa sai sót.
  1. Một số nét văn hóa khác ở trường đại học

Môi trường học tập và làm việc tại các trường Đại học ở Hàn Quốc từ lâu đã được biết đến là có nhiều áp lực về công việc. Thực tế, các khoa và phòng thí nghiệm trong trường cũng như máy móc có thể chạy xuyên ngày đêm và mình đi lên trường vào bất kể giờ nào cũng có thể gặp các bạn sinh viên đi lại trên trường, trong các lab hay thư viện. Vì nhiều sinh viên còn đi làm thêm, áp lực học hành khiến các bạn có thể thay đổi giờ giấc sinh hoạt hay học liền trong nhiều giờ đặc biệt vào mùa thi.

Cũng có một số quan điểm là giáo sư và người trong trường ở Hàn thường thích thái độ làm việc tích cực và mau lẹ. Đó cũng có thể là nguyên nhân của nhiều áp lực, tuy nhiên xu hướng chung mình cũng thấy nhiều quốc gia châu Á như Đài Loan hay cả ở Việt Nam hiện nay đều ưa những người nhanh nhẹn (họ đi bộ cũng rất nhanh). Thành thạo công nghệ thông tin cũng là một lợi thế nhiều trong môi trường làm việc. Nên các bạn nào thấy mình còn hơi lề mề xíu trong công việc thì cũng cần chú ý và tự nâng cao các kỹ năng này cho bản thân nhé.

Ngoài những điểm hơi khắc nghiệt với những ai chưa quen ở trên thì các giáo bên này mình thấy mỗi người một cá tính, môi trường làm việc mỗi lab do đó cũng đa dạng và dễ hay khó tùy vào đặc điểm thích nghi của từng bạn sinh viên (điều mà thực ra là ở Hàn hay ở nước nào cũng vậy). Và môi trường trong các trường ĐH thì trẻ trung, năng động; các bạn sinh viên ở đây vẫn có quỹ thời gian cho các hoạt động tập thể ngoại khóa, chơi thể thao, … Có một vài điều thú vị khác các bạn có thể để ý khi học ở đây:

  • Các trường đại học thường không có đồng phục bắt buộc, nhưng các khoa và sinh viên thường thích làm đồng phục trường, đồng phục khoa và đó thường là mẫu áo khoác bóng chày khỏe khoắn có in tên và biểu tượng của khoa/trường đó. Thông thường, áo có số trên phần tay để biểu thị năm nhập học của sinh viên.
  • Sinh viên nam thường học và tốt nghiệp đại học muộn hơn, chủ yếu là vì họ tạm ngừng việc học để hoàn thành nghĩa vụ quân sự sớm, kéo dài 1 năm 10 tháng. Đơn giản là nếu để thời gian đi nghĩa vụ muộn hơn thì sinh viên có thể sẽ lỡ cơ hội kiếm việc làm hoặc đi thực tập. 
  • Đối với sinh viên năm nhất, thường có thêm một vài hoạt động như là định hướng cho sinh viên mới (OT), membership training (MT) cho các công ty, câu lạc bộ hoặc trường học, các lễ kỷ niệm trường với các idol được mời tới cũng sẽ giúp các bạn dễ nhớ ngày thành lập trường hơn ^^… và nhiều hoạt động khác để các bạn có thể làm quen với bạn học, tiền bối, đồng nghiệp và trải nghiệm đời sống sinh viên nhiều màu sắc.
  1. Văn hóa nơi công cộng và trong các hoạt động xã hội khác
    1. Tham gia giao thông:

Phương tiện giao thông công cộng ở Hàn Quốc rất phát triển. Nhiều bạn trẻ ở Việt Nam quen với việc đi lại bằng bus hay mới đây là đường sắt trên cao có thể cũng đã nắm được rồi. Hãy cùng chúng mình điểm ra một số lưu ý để tránh những hiểu lầm hay bỡ ngỡ khi bước lên xe hay tàu ở Hàn Quốc nha.

  • Trên tàu điện ngầm luôn có khu vực ghế ưu tiên dành cho người cao tuổi và phụ nữ mang thai (có vải bọc màu khác và ký hiệu). Dù ghế đó có trống thì cũng không được ngồi. Thường tàu điện cũng di chuyển khá nhanh và hành khách cũng lên xuống liên tục nên bạn có thể đến nơi nhanh chóng hoặc không cần chờ quá lâu để có ghế trống đâu. Trên xe bus cũng có các ghế tương tự, tuy nhiên, bạn có thể ngồi vào các ghế này khi ghế trống nhưng nêu khi có người cao tuổi, trẻ con và phụ nữ có thai lên xe thì bạn hãy nhường ghế nha. 
  • Khi lên tàu hay xe bus, tất cả hành khách đều phải xếp hàng để chờ đến lượt. Do đó, bạn tuyệt đối đừng chen lấn xô đẩy. Khi lên tàu điện ngầm, hãy chờ những người muốn xuống tàu ra hết rồi mới đi lên tàu nhé. Ngoài ra, hệ thống thang cuốn cũng xuất hiện nhiều tại các khu vực tàu điện ngầm, khu thương mại, … Hãy đi đúng hàng lối, nếu đứng trên thang cuốn thì bạn đứng về phía tay phải của thang để nhường lối tay trái cho những người muốn di chuyển lên nhanh hơn (điều này nhìn chung đã rất phổ biến tại Hàn và các nước phương Tây).
  • Theo quy định, bạn sẽ không được mang đồ ăn đang ăn dở, đồ có mùi lên xe bus. Nếu là đồ ăn dạng take out hoặc được đóng gói kín, cẩn thận thì có thể mang lên để tránh có mùi hoặc đổ ra xe. Đối với tàu điện ngầm, hiện chưa có quy định này nhưng thường thì người Hàn cũng không ăn trên tàu điện ngầm. Bên cạnh đó, do dịch bệnh Covid-19 nên ăn trên tàu cũng là điều cấm. 
  • Thường khi di chuyển mà cần phải chuyển xe, chuyển tàu thì các bạn chỉ tốn 1 lần phí (1,250 won) với khoảng cách ngắn (đi lại trong khoảng 30 phút). Nếu đi khoảng cách xa hơn thì lúc đó mới mất thêm phí nhưng thường là rất ít. Hãy nhớ quẹt thẻ trước khi xuống bus để được đảm bảo quyền lợi nhé. Nhiều bạn có thể vội mà khi xuống bus quên không quẹt. Đừng quá lo lắng vì số tiền không bị cộng dồn quá lớn đâu mà tới lần lên bus tiếp theo bạn sẽ chỉ bị trừ thêm một chút phí bằng 1 lần di chuyển thôi.

Ngoài ra, bất cứ khi nào tham gia giao thông, hãy để ý các luật và chỉ dẫn cơ bản. Cụ thể như:

  • Ở Hàn xe đạp sẽ không đi dưới lòng đường do có nhiều ô tô nên sẽ rất nguy hiểm. Xe đạp phải đi vào làn đường dành riêng cho xe đạp, nếu không có làn riêng thì xe đạp được đi trên vỉa hè hoặc đường dành cho người đi bộ.
  • Việc di chuyển giữa các thành phố ở Hàn thường rất dễ dàng và an toàn. Bạn có thể mua vé online cho cả tàu và xe bus liên tỉnh. Tàu-xe liên tỉnh xuất phát rất đúng giờ nên bạn nhớ phải đến đúng giờ nha, thường nên đến sớm trước giờ xuất phát 10 phút là hợp lí. 
  • Người Hàn rất ít khi dùng đến còi xe của bất cứ phương tiện nào mà chỉ bấm còi trong trường hợp thực sự cần thiết. Việc bấm còi xe vô tội vạ được coi là hành động rất bất lịch sự. 
  • “Người đi bộ là nhất”. Điều này đôi khi được ngầm công nhận, đặc biệt tại các khu phố nhỏ bên Hàn như là các khu vực quanh trường học thì xe ô tô đều phải đi chậm và nhường cho người đi bộ qua trước. Tuy nhiên, cũng nên cẩn thận nhìn trước nhìn sau khi đi bộ vì ngoài ô tô, có nhiều phương tiện nhỏ cũng có thể gây ra va chạm như xe đạp, xe điện (scooter) hay xe máy, xe giao hàng. Ngoại trừ các ngã tư có đèn giao thông, khi người đi bộ sang đường đúng vạch kẻ trắng, tất cả phương tiện đều phải dừng nhường đường. Do đó, đừng quá bỡ ngỡ và nếu thấy xe ô tô đã giảm vận tốc, bạn có thể nhanh chóng sang đường để họ được đi (lịch sự nữa thì có thể gật đầu cảm ơn người đã nhường đường cho mình).
  • Mặc dù nhìn giống chiếc xe trượt đơn giản nhưng giống như các loại xe gắn máy, xe điện hay scooter yêu cầu người đi phải có bằng lái xe, đội mũ bảo hiểm khi đi xe. Đây cũng là phương tiện cá nhân nên tuyệt đối không được trở thêm người. Nhiều trường hợp vi phạm đã bị yêu cầu đóng phạt, có vết trong hồ sơ và/hoặc bị tịch thu và cấm thi bằng lái trong một thời gian.
  1. Văn hóa uống rượu 

Văn hóa uống rượu của người Hàn  là một nét truyền thống,văn hoá Hàn Quốc gắn liền với những chai  rượu Soju và rượu gạo mackeoli.  Uống rượu được xem là việc giúp mọi người giải tỏa căng thẳng mệt mỏi sau ngày làm việc vất vả và gắn kết với nhau .

Trong văn hóa Hàn Quốc người Hàn Quốc rất ít khi tự rót rượu vào chén của mình, thường người rót rượu sẽ là người ít tuổi nhất. Khi rót rượu cho người khác, người rót sẽ cầm chai rượu bằng cả hai tay, đồng thời người được rót rượu cũng sẽ cầm ly bằng 2 tay để thể hiện sự tôn trọng. Khi rót không nên rót đầy chỉ nên rót khoảng 70-80%. Thông thường sẽ uống hết chén rượu của mình, nếu chưa uống cạn thì sẽ không được rót thêm cho đến khi uống hết.

Trước người lớn tuổi hơn hay có địa vị cao hơn, khi uống rượu bạn nên xoay lưng lại trước khi uống rượu. Ở Hàn Quốc nếu uống một hơi cạn chén rượu trước mặt người lớn tuổi biểu hiện sự thiếu tôn trọng.

  1. Đi vào quán ăn, quán cà phê:

Dân gian có câu “Học ăn học nói”, nên là hãy bỏ túi một vài lưu ý sau đây khi đi vào các quán xá tại Hàn để có thể thoải mái trải nghiệm thế giới ẩm thực tại quốc gia này nhé!

  • Bàn ăn ở Hàn Quốc có thể sẽ trang bị chuông bấm để gọi nhân viên, vd như để gọi món. Một số kiểu quán cũ không có chuông hoặc đông khách không thấy bạn gọi, hãy giơ tay lên và gọi thật to “Sajangnim” (Chủ quán ơi) là nhân viên sẽ đến bàn bạn ngay. Cách gọi này cũng có thiện cảm hơn là gọi chú hay cô gì ơi (“Achosi” hay “Ajumma”).
  • Đừng quá lúng túng khi thấy bàn ăn trống trơn, vì thường đũa thìa giấy ăn … trong quán ăn Hàn Quốc được đựng ở hộc dưới ngăn bàn. Nếu không, có thể có nơi đặt riêng và bạn nên quan sát mọi người lấy như thế nào (cùng với các đồ ăn kèm “banchan”) trước khi hỏi chủ quán.

Nổi tiếng không kém với văn hóa uống rượu, văn hóa cà phê là điều không thể thiếu với một môi trường học tập và làm việc với công suất cao như trường đại học. Ngoài ra, cà phê, đồ uống cũng là một yếu tố ẩm thực mà các bạn có thể thư giãn, thưởng thức, do đó, có thể tham khảo thêm các bài viết trước đó của chúng mình về vấn đề này. Vậy văn hóa cà phê có những điểm đặc trưng nào cần chú ý nhỉ?

  • Đa số các quán cà phê ở Hàn Quốc đều có quy tắc 1 người 1 đồ uống (do giá đồ uống đã bao gồm cả chi phí chỗ ngồi). Khi 2 người đến quán cà phê và chỉ muốn gọi 1 đồ uống, 1 món ăn nhẹ thì tùy theo từng nơi có thể chủ cửa hàng sẽ nhắc bạn phải gọi đồ uống theo số lượng người.
  • Tuy nhiên, nếu bạn mua mang đi (take-out), không sử dụng chỗ ngồi trong quán thì bạn gọi đồ uống với số lượng là bao nhiêu cũng không có vấn đề gì nhé. Vì vậy trong trường hợp bạn quá no bụng và không thể gọi đồ uống theo số lượng người thì có thể lựa chọn mua đồ uống mang đi. 
  • Ngoài ra, với một số quán cà phê như là 99th trong khuôn viên trường CNU, loại ly dùng cho uống tại chỗ (ly trả lại quán và có thể sử dụng) khác với loại dùng mang đi (thường là ly dùng một lần). Một số quán khác bán đồ uống kèm bình đựng, đồ dùng được nhiều lần để bảo vệ môi trường và khi quay lại thì người mua có thể được giảm giá đồ uống nếu đựng bằng ly của quán đó.
  • Đặc biệt, có một số quán cà phê sẽ giới hạn thời gian sử dụng quán đối với khách hàng. Tuy không phải là thường xuyên, nhưng nếu tại đó là quán cà phê nổi tiếng và đang có nhiều người xếp hàng đợi, hay không gian trong quán khá nhỏ thì có thể sẽ có thêm quy định này. Thời gian giới hạn thường vào khoảng từ 2 đến 3 tiếng, đủ để tận hưởng không khí của quán cà phê. Nhưng nếu bạn muốn ở trong đó lâu hơn thì hãy gọi thêm đồ uống và hỏi chủ quán rằng mình có thể sử dụng thêm thời gian không nhé!
  1. Khi thất lạc đồ: 
  • Giả sử bạn xuống xe hay tàu và phát hiện mình để quên đồ trên đó. Hãy bình tĩnh, ghi lại tuyến bus bạn đã đi (số xe, bến xe, thời gian lê xuống) hay thông tin giao dịch xe taxi rồi mang đến trung tâm hướng dẫn du lịch hoặc sở cảnh sát gần nhất để nhận được sự giúp đỡ nhé. Nếu bạn làm mất đồ trên tàu, hãy ghi nhớ tuyến tàu và toa mà bạn đi như toa 1-4, 7-3, sau đó nhờ hướng dẫn viên ở mỗi ga giúp đỡ nhé. 
  • Nếu mất đồ trên tàu điện ngầm, hãy tìm đến trung tâm an toàn khách hàng (고객안전센터) và giải thích chính xác loại đồ bị mất, thời gian lên và xuống tàu điện ngầm, khoang tàu bạn đã lên (được viết trên sàn và trên cửa như hình trên), sẽ giúp tìm lại đồ nhanh chóng hơn. Dựa trên thông tin bạn cung cấp, nhân viên sẽ tìm kiếm trên hệ thống và nếu tìm thấy, bạn chỉ cần đến trung tâm an toàn khách hàng tại ga tàu mà đồ của bạn đang được bảo quản để nhận lại.  
  • Khi đồ thất lạc được tìm thấy ở các cơ sở công cộng như nhà hàng, quán cà phê, cửa hàng tiện lợi, thường đồ đó sẽ được cất giữ tại quầy thanh toán. Vì vậy, đừng hoảng sợ, hãy bình tĩnh trở lại đó và hỏi quầy thanh toán nha. Nếu một thời gian lâu sau bạn mới phát hiện mình mất đồ, hãy gọi điện và giải thích chi tiết thời gian bạn đến đó và mô tả món đồ bị mất. Nếu nhà hàng đang giữ món đồ đó, bạn có thể đến và nhận lại! Bạn có thể dễ dàng tìm được thông tin liên lạc của các nhà hàng, quán cà phê qua Naver, Kakao, Google Maps hoặc các trang web khác.
  • Ở các địa điểm du lịch như bảo tàng, di tích lịch sử và công viên giải trí, thường sẽ có các trung tâm đồ thất lạc. Nếu nhân viên hoặc khách thăm quan khai báo nhặt được đồ thất lạc, thì chúng sẽ được bảo quản tại đây. Do đó, dù bạn có mất đồ ở những khu vực rộng như công viên giải trí Lotte World hay Everland, cũng đừng quá lo lắng nha. Trên thực tế, có rất nhiều khách du lịch đã tìm lại đồ thất lạc ở những khu vực này rồi. Bạn có thể đến trực tiếp hoặc có thể nhận tại nhà nếu bạn trả phí giao hàng!
  • Thông thường, khi các sinh viên nhìn thấy đồ thất lạc trong khuôn viên trường đại học ở Hàn, họ sẽ giao cho phòng hành chính hoặc bộ phận bảo quản đồ thất lạc. Do đó, bạn chỉ cần gọi đến trường hỏi là được. Chú ý các đồ vật bị thất lạc trong thư viện có thể được giữ riêng tại quầy của thư viện!! Ngoài ra, các bạn học sinh cũng hay đăng đồ thất lạc mình nhặt được trên web giao tiếp riêng trong trường hay ứng dụng Everytime. Do đó, bạn cũng có thể đọc thông tin trên này rồi nhắn tin trực tiếp cho người đăng bài để nhận lại đồ.  

Một số típ khác đề tìm lại đồ vật quan trọng bị thất lạc, các bạn có thể xem thêm tại đây: https://www.creatrip.com/vi/blog/11383

Bài viết có sự tham khảo, “nghe ngóng” từ nhiều nguồn khác nhau cũng như là những trải nghiệm và quan điểm cá nhân. Do đó, hãy thật cởi mở khi đọc nhé, quan trọng nhất vẫn là trải nghiệm của chính mỗi người! 

Mong rằng sắp tới đây, các bạn có thể chia sẻ thêm để chúng mình tiếp tục cập nhật các nội dung quan trọng, chuẩn bị hành trang cho những bạn trẻ sắp xách vali lên và bay tới Hàn Quốc <3

spot_imgspot_img

Subscribe

Related articles

spot_imgspot_img

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here